Tổng lượt truy cập: 830106
Đang truy cập: 3
Tấm lòng với học sinh ngoại thành.
Theo: - Cập nhật ngày: 28/12/2011 - 09:50:45

Tấm lòng với học trò ngoại thành Thứ tư, 07/09/2011 21 giờ 58 GMT+7

 

Cô Nguyễn Thị Ngọc Phượng thường sưu tầm tài liệu trên mạng để bài giảng sinh động, cuốn hút HS hơn.

Vui tính, năng động, tác phong nhanh nhẹn, ánh mắt dịu dàng, cô Nguyễn Thị Ngọc Phượng, giáo viên Trường THCS Thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, dễ tạo được cảm tình với người đối diện. Bằng lòng yêu nghề và tình thương đối với học trò nghèo, 8 năm qua, cô Phượng đã gắn bó với ngôi trường này, không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là nguồn động viên tinh thần hun đúc, nuôi dưỡng cho học sinh (HS) biết bao ước mơ, hoài bão...

Cô Phượng vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên về Trường THCS Thị trấn Thới Lai nhận công tác vào tháng 3-2003, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Cần Thơ. Đó là ngôi trường vách lá, sân lát gạch tàu đã xuống cấp, nước ngập lấp xấp, các phòng học ẩm thấp, cũ kỹ. Cô Phượng kể: “Lúc đó kinh tế gia đình còn rất khó khăn, nhà ở quận Ninh Kiều, không có phương tiện đi lại, trường không có nhà công vụ, giáo viên phải ở trọ bên ngoài nên tôi hơi ngán, định dạy thử một thời gian, nếu không hợp thì xin chuyển”. Học trò vùng sâu có em đến lớp vai áo cũ sờn, đầu khét nắng, tay chân còn dính bùn đất, dụng cụ học tập thiếu thốn. Nhưng chính sự hồn nhiên, ngây thơ và tinh thần ham học của các em đã khơi gợi trong cô một tình cảm gắn bó, càng tiếp xúc càng thương các em hơn. Rồi sự động viên, giúp đỡ kịp thời của đồng nghiệp làm cô vơi bớt nỗi buồn ban đầu. Thấm thoát mà 8 năm đã trôi qua, ngôi trường đã được sửa sang, bao lớp học trò đến rồi đi, tình cảm trong cô đối với ngôi trường nghèo cũng lớn dần theo năm tháng.

Ngoài chuyên môn Toán, cũng như phần đông giáo viên ở trường, cô Phượng còn tình nguyện đảm trách công việc vận động HS đi học. Đã có không ít lần phát hiện học trò vắng, cô đến tận nhà khuyên gia đình cùng kết hợp với nhà trường lo cho các em. Nhiều em nhà ở trong đồng sâu, cô phải lội ruộng, qua đò và những con kênh lắt lay cầu khỉ mới tới nơi. Vô nhà học trò, cô không cầm được nước mắt bởi nhà nghèo quá. Tận dụng những tiết trống trong tuần, cô kèm môn Toán miễn phí cho học trò. Nhận xét về việc học hay hạnh kiểm cô rất tế nhị, chủ yếu can thiệp bằng tình cảm, tránh làm các em bị tổn thương và thường nêu những tấm gương các nhân vật vượt khó thành đạt để các em noi theo. Đa phần HS của trường rất nghèo, có em thiếu thốn tình thương người thân từ nhỏ nên Ban giám hiệu và giáo viên của trường rất quan tâm, giúp các em vượt qua mặc cảm, động viên tinh thần, tìm nguồn hỗ trợ vật chất để các em được đi học. Cô Phượng cho biết: “Muốn làm tốt công tác vận động, giáo viên phải yêu nghề, kiên nhẫn, nhiệt tình, am hiểu địa bàn, đời sống phụ huynh, hoàn cảnh HS. Vì sự nghiệp trồng người cao quý, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng. Nhờ mọi người đồng sức đồng lòng nên kết quả thu được rất khả quan, nhiều em đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục sự học, xây đắp tương lai cho mình”.

Từ sự yêu thương đó, cô Phượng thấy mình có trách nhiệm với các em hơn. Cô tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, nhờ bạn bè hoặc các tổ chức cô quen biết hỗ trợ, giúp đỡ cho các em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Cô cũng thường nhín chút tiền lương ít ỏi của mình để giúp HS khi ký gạo, khi quyển tập, mượn sách giáo khoa cũ, giúp các em vào mỗi đầu năm học mới. Dần dà HS xem cô là chỗ dựa tinh thần. Nhà có trái ổi chín, đòn bánh tét, mớ rau ngon cũng đem vào biếu cô. Em Lê Long Biển Anh, HS của trường, cho biết: “Có những lúc em rất buồn vì hoàn cảnh không được sống gần cha mẹ, cô Phượng luôn động viên em ráng học để có nghề nghiệp nuôi bà nội, chỉ em cách ứng xử giao tiếp. Cô còn xin quần áo, tập vở cho em, giúp em có điều kiện học tốt”.

Là em út trong gia đình có 5 anh em, chỉ mình cô Phượng theo nghề giáo. Ngày xưa, nhà nghèo, cha mẹ làm thuê mới lo nổi cho các con ăn học nên từ bé cô luôn có ý thức phấn đấu để không làm người thân thất vọng. Từng sống trong cảnh khổ nên cô thêm thương học trò, tìm mọi cách giúp các em vơi bớt nhọc nhằn trong hành trình tìm con chữ. Giảng dạy trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng cô vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, tìm tòi thông tin, hình ảnh trên sách báo, internet để bài giảng thêm sinh động, lôi cuốn học trò. Năm rồi cô Phượng đoạt giải 3 giáo viên dạy giỏi huyện Thới Lai, năm nay cô đang chuẩn bị thi giáo viên giỏi cấp thành phố. Cô Phượng đã đăng ký học liên thông Đại học Sư phạm để nâng cao tay nghề. 2 năm nay, cô tham gia giáo án điện tử giúp học trò có thêm niềm đam mê với môn Toán vốn dĩ khô khan.

Bà Nguyễn Kim Mỹ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Thới Lai, cho biết: “Cô Phượng là giáo viên lâu năm, có năng lực, nhiệt tình trong công tác, có tinh thần học hỏi cao, quan hệ tốt với đồng nghiệp. Thời gian qua, cô Phượng tham gia tốt các phong trào của trường. Là giáo viên chủ nhiệm, cô nắm rõ từng hoàn cảnh học sinh, luôn quan tâm, giúp đỡ kịp thời, tạo điều kiện để các em yên tâm học tập”.

Những năm công tác, gia tài lớn nhất của cô là tình cảm của học trò và sự tin cậy, yêu mến của đồng nghiệp. Cô Phượng tâm sự: “Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình, sẽ tiếp tục con đường đã chọn, phấn đấu trau dồi đạo đức, chuyên môn để có thể làm tốt nhiệm vụ “người thầy” và mong trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ hơn để học trò có điều kiện học tốt hơn”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Về trước Gởi email cho bạn bè In ấn
Lượt xem (2137)bình luận (0) Đánh giá bài viết (4)
Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Trường Trung Học Cơ Sở Thị Trấn Thới Lai
Điện thoại: 02923.689 369 - 02923. 681 369 - 02923 680 879
E-Mail thcsthitranthoilai@cantho.edu.vn
Website: thcs-ttthoilai-cantho-edu.vn

Thiết kế và phát triển bởi Miền Tây Net