Tổng lượt truy cập: 829732
Đang truy cập: 2
GIẢI PHÁP HỮU ÍCH KÝ HỌA TRONG MÔN MĨ THUẬT Ở TRƯỜNG THCS
Theo: - Cập nhật ngày: 06/04/2012 - 14:40:39

Đề tài sáng kiến kinh nghiệm:

GIẢI PHÁP HỮU ÍCH KÝ HỌA

TRONG MÔN MĨ THUẬT Ở TRƯỜNG THCS

-----oOo-----

I- ĐẶT VẤN ĐỀ

Môn Mỹ Thuật ở trường THCS thường được đông đảo học sinh yêu thích. Ở đây các em được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nên đã hiểu hiểu thêm về nghệ thuật trong nước và thế giới, được tự mình tập trang trí, vẽ theo mẫu và sáng tác các tác phẩm theo đề tài.

Qua khảo sát tại trường THCS Thị trấn Thới Lai có trên 60% học sinh không thích phân môn vẽ tranh đề tài. Khi được hỏi qua các em thì các em trả lời “chúng em thích học trang trí hơn, vì nó dễ vẽ hơn, còn vẽ tranh đề tài chúng em không tưởng tượng được và không vẽ hình được, nhất là vẽ người là con vật”. Và được trả lời bằng chính kết quả trên các bài vẽ tranh đề tài. Đa số các bài vẽ tranh đề tài của các em thường có kết quả thấp, vẽ hình không được, đặc biệt là những bài vẽ tranh đề tài có liên quan đến con người, bài tự vẽ thì xấu, đa số chỉ là sao chép trong sách giáo khoa hoặc trong các sách khác.

Là giáo viên giảng dạy môn Mỹ thuật, tôi có suy nghĩ “Làm thế nào để các em vẽ hình tốt hơn trong phân môn vẽ tranh đề tài? Nếu các em vẽ được hình, sắp xếp bố cục đẹp, màu sắc hài hòa, có đậm có nhạt thì các em vẽ tranh được tốt hơn và khi vẽ được các em sẽ tự cảm thấy ham thích phân môn này. Vì thế tôi nghĩ ngay đến ký họa, và tôi đã thử nghiệm cho học sinh lớp 7 trong năm học này và thu được kết quả hết sức khả quan trong phân môn vẽ tranh đề tài.

II- THỰC TRẠNG

   1. Thuận lợi:

Được sự quan tâm của ngành giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường, Tổ chuyên môn, anh chị em cùng nhóm, … đã tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dạy học, đặc biệt cùng với sự nỗ lực của các em học sinh đã góp phần xây dựng nên sáng kiến của tôi được thành công một phần.

   2. Khó khăn:

Là một môn năng khiếu, nhà trường chưa có phòng học riêng cho môn Mỹ thuật. Một số phòng học không đủ ánh sáng khi thực hành. Đa số học sinh là con gia đình làm nghề nông, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên nhiều học sinh không đủ đồ dùng học tập, một số phụ huynh có quan điểm không chú trọng các môn phụ mà chủ yếu đầu tư cho con em mình học các môn chính. Những điều này cũng gây ít nhiều khó khăn trong việc giảng dạy môn Mỹ thuật.

III- GIẢI PHÁP

Một số bức tranh đề tài đẹp thường bao gồm các bố cục, hình vẽ, màu sắc. Cả ba yếu tố này luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo nên vẻ đẹp của bức tranh, cái vẻ ưu nhìn và đún đắn của hình vẽ là điều tối thiểu cần thiết của một bức tranh vì hình vẽ là cơ bản là nền tảng của mọi phần khác, chính vì nó xác định màu và làm cho ta thấy rõ mọi vật. Làm sao để các em có thể vẽ được một bức tranh đề tài tại lớp mà không cần tới sự sao chép trong sách giáo khoa.

Ký họa giúp học sinh thực hiện được các yêu cầu của một bài vẽ tranh đề tài thuộc phân môn vẽ theo mẫu sang chương trình mỹ thuật lớp 7 các em chỉ có 2 tiết kí họa. Nếu các em kí họa tốt thì đượng nhiên các em sẽ vẽ hình tốt hơn, bởi kí họa có khả năng ghi chép được tất cả mọi hình tượng, mọi cảnh vật, mọi nhân vật từ tĩnh tới động của cảnh vật mô tả bằng hình thức thật đơn giản, kí họa đem lại tinh thần cho nét vẽ.

Vậy kí họa là gì? Kí họa chính là hình thức vẽ nhanh nhằm ghi lại người, con vật, cảnh vật mà ta cần ghi chép để rèn luyện tay nghề và lấy tư liệu để sáng tác. Kí họa vừa có tác dụng thúc đẩy óc quan sát thực tế, luyện mắt, luyện tay vừa ghi chép được các hình ảnh trong thực tế một cách sinh động như cảnh học nhóm, người lao động, hình ảnh các con vật hay một góc cảnh,…

IV- PHƯƠNG PHÁP KÍ HỌA

Đồ dùng kí họa có thể là than, chì, bút sáp, bút lông, … đối với học sinh thì chủ yếu các em sử dụng chì và vẽ trên giấy vẽ hoặc sổ.

Nếu trong bài vẽ theo mẫu nghiên cứu kĩ hình và khối (trọng tâm của diễn tả) thì kí họa đòi hỏi đến dáng người, thế người đang di động. Do đó trước khi vẽ phải quan sát dáng người đang làm gì? Nhận xét phương hướng của đường trục nghiêng hay thẳng ở những độ nào, chú ý trọng tâm của người nghiêng về phía nào để làm đường trục chuyển theo hướng đó, trọng tâm của người thay đổi là do mang vác, khiêng hay gánh vật gì hoặc do những tác động gây ra như cầm dao, búa, xẻng, cày, bừa hoặc chạy nhảy, … phải nhận xét và rút ra được những hướng chính của dáng người di chuyển ra sao qua đường trục thể hiện qua thân người.

Khi vẽ một tư thế nào đó, cần xem xét nào là quyết định cho tư thế đó thì chú ý nét vẽ chính xác hơn, có thể vẽ trước và kĩ hơn những nét khác. Ví dụ khi vẽ người chống tay vào đường trục theo xương sống ở trong, còn tay cầm điếu thuốc cao, thấp và chân co duỗi nhiều ít đều phụ thuộc vào tư thế chính của đầu và thân người. Đường trục người nghiêng hay thẳng là do các động tác của cơ thể gây ra. Nhận xét dáng và hướng của người phải nhận xét chu vi toàn thân đến bóng của người, lúc này chưa cần đến chi tiết như mắt mũi, ngón chân, ngón tay, chỉ đến lúc hình dáng chung đã được vẽ xong bằng nét lớn, sau đó mới ghi thêm một vài chi tiết chính để diễn tả thêm mẫu sao cho hình vẽ nhanh, và vẫn đạt được một hình ảnh tương đối sinh động của sự thật.

Đây là quá trình chung của một bài ký họa, muốn đạt được kết quả này cần hướng dẫn cho học sinh đi từ dễ đến khó theo các bước sau:

   1. Kí họa người tĩnh:

Muốn kí họa người ngồi không thể vẽ đầu trước rồi đến vẽ mình và tay chân mà phải ghi ngay toàn bộ tư thế người ngồi, nhìn cả người là đơn vị lớn chứ không phải lấy riêng đầu làm đơn vị so sánh như ở trong bài vẽ theo mẫu, sau đó vẽ hướng chung của đầu, mình tay, chân có khi chỉ bằng 1, 2 đường sơ lược. Hướng dẫn các em bài đầu có thể từ 10 – 15 phút không nên kéo dài thời gian quá. Sau đó rút ngắn dần thời gian đến lúc mỗi kí họa chỉ vẽ từ 5 – 10 phút là đủ. Nếu kéo dài thời gian thì sự quan sát và ghi nhanh toàn bộ hình vẽ bị hạn chế mà trở thành vẽ những chi tiết không cần thiết cho kí họa. Có thể những nét đầu tiên bị lệch, xiêu vẹo, méo mó chưa rõ hình gì nhưng dần dần dáng người hiện lên rõ với những cử chỉ đúng có khi chỉ bằng vài ba nét sơ sài. Ngược lại đối với một số động tác lao động được lặp đi lặp lại nhiều lần hằng giờ hoặc cả buổi như: cày bừa, gánh đất làm cỏ, …thì có thể vẽ lại nhiều lần trên một động tác, vẽ nhiều lần trên mỗi tờ giấy khác nhau để thuộc làu về hình dáng của mỗi động tác. Kí họa dáng động, là cốt ghi nhanh những dáng người hay vật đang chuyển động như: chạy, nhảy, gánh, vác, kéo đẩy, … nên nó mang tính chất khái quát và tổng hợp, kí họa dáng động không phải tìm mẫu khó khăn lắm mà các em có thể vẽ ở cổng trường đầu phố, đầu làng với vô số người lao động và người đang di chuyển.

   2. Kí họa người đang vận động    

Trọng tâm của kí họa là người ghi lại động tác của nhân vật đang hoạt động, đang lao động sản xuất hay đang di chuyển. Trong những sự vật phong phú đang chuyển động, người kí họa phải biết lọc bỏ những chi tiết không cần thiết, chọn đúng những đường nét ít nhất của sự vật được ghi chép, hình khối của vật chuyển động dài, ngắn khác nhau, do đó kí họa phải tìm được những đặc điểm điển hình của sự vật đang di chuyển: một người xúc đất, một người đang chạy, một người vác nặng, một thuyền lướt sóng ra khơi hay một con thú đang rình mồi…

 Đối với người đang chuyển động người kí họa phải rèn luyện để ghi chép được đúng hình tượng những đề tài sinh động trong đời sống để chuẩn bị tư liệu cho các bài vẽ kí họa người động khó hơn, bởi vì khi chuyển động thì hình dáng người trên các cơ, trục người đều thay đổi một cách nhanh chóng. Người kí họa cần quan sát dáng chung của người đang đi, trục người hướng nghiêng về đầu, tay chân vận động và chiếm vị trí ngang dọc, nghiêng ở mức độ nào, không nên nhìn đường cong lồi ra hay lõm vào của từng bộ phận nhỏ mà cần vẽ lại dáng hình của người đi bằng vài đường thẳng có khi chỉ đi nét lớn của hình dáng bộ xương sau đó mới đến hình dáng chung của toàn thân người theo đường viền xung quanh, đơn giản hoặc vứt bỏ bớt những nét vẽ lồi lõm trên cơ thể hay trang phục. Nếu đi nét một lần chưa đạt thì gạch thêm những nét sau chồng lên mẫu còn trước mặt nếu hình kí họa còn thiếu một vài bộ phận thì phải vận dụng đền trí nhớ để hình dung lại mẫu và vẽ thêm vào. Lúc này tổng hợp vá khái quát chung về một hình tượng đang chuyển động, kí họa làm nỗi rõ tính chất điển hình của một động tác lao động.

   3. Phân biệt được dáng người đi và dáng người đứng mẫu

Dáng người đang vận động không thể giống với dàng người đang đứng vì cơ thể chuyển động bao giờ cũng tạo ra những cơ cùng chuyển động theo, kèm vào đó là nếp quần áo thay đổi theo chiều gió, theo ánh sáng, cho nên người chuyển động khác hẳn với lúc đứng im. Người di chuyển trong thực tế sẽ có sự thay đổi về dáng dấp, y phục, cấu trúc cơ thể, nên khi nhìn toàn bộ sẽ bị sai về những điểm trọng tâm và tỉ lệ hay tương quan về đầu mình tay chân thì hình vẽ sẽ không đúng. Chính vì vậy, phải cố gắng ghi nhanh toàn bộ hình ảnh đó, rèn luyện từ chậm đến nhanh rút ngắn dần dần thời gian sẽ quen mắt quen tay và kí họa được những gì mình muốn.

V- CÁC THỂ LOẠI KÍ HỌA

   1. Kí họa lướt:

Là loại kí họa phổ biến nhất để ghi chép một mặt nào đó về con người, một vật, con vật, phong cảnh trong vòng 5 – 10 phút hoặc ngắn hơn dễ rèn luyện trong những giờ  nhàn rỗi, các em có thể vẽ vào sổ tay để ghi lại những diễn biến hằng ngày vừa tập quan sát sự vật, vừa luyện tay cho quen. Yêu cầu học sinh chỉ cần ghi những nét đơn giản điển hình bằng nét chu vi có khi chỉ cần mấy nét gạch chính chỉ dáng người hoặc đặc trưng của một nét mặt, tuy vẽ bằng ít nét nhưng có thể rất chính xác, vẽ quen nét càng đẹp càng diễn tả đúng được mẫu.

   2. Kí họa sâu:

Là hình thức vẽ kĩ hơn, vẽ đi vẽ lại theo một phương pháp vẽ nhanh toàn bộ hình mẫu tĩnh hoặc động nhất là động để miêu tả một hình dáng. Kí họa sâu, vẽ kĩ để nghiên cứu những dáng khó ghi chép đúng. Ví dụ kí họa sâu hình ảnh bác nông dân đi cày để làm tài liệu vẽ tranh đề tài lao động, lúc đầu nên ghi nhanh lấy dáng chính, hướng  chính của trâu và khoảng cách giữa hai mảng người và vật rồi đi thêm nét vẽ chính xác lên những nét phác nhanh đầu tiên, phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần vẫn dùng phương pháp quan sát dáng chung toàn bộ làm chủ yếu, sửa gọt chu vi cho đúng với dáng của người đang cày và con trâu đang kéo đều có một hình thể là đứng im. Cần vẽ đúng sự khác biệt đó, mỗi lần vẽ chưa đúng lại sửa nét, vẽ chồng lên nhau hoặc đặt lên giấy can vẽ lại, vẽ nhanh đến lúc toàn bộ người đang cày và con trâu được xây dựng tốt bằng nét chu vi tương đối chính xác, lúc này có thể nhờ mẫu ngừng hoạt động để nghiên cứu một số chi tiết như: nét mặt, tay chân bác nông dân cày ruộng hoặc những bộ phận phụ thuộc vào dáng chuyển động chung của người và vật làm hoàn chỉnh thêm cho dáng chung đó.

   3. Kí họa nhóm:

Từ luyện tập vẽ một dáng người, một cảnh vật riêng lẻ dần dần chuyển lên vẽ nhiều người. Ví dụ vẽ một cảnh phố, cảnh hội thi tìm hiểu luật giao thông, hay giờ học trong lớp, giờ thể dục, học nhóm, tổ, … muốn kí họa cần quan sát chung cả khoảng bối cảnh định vẽ, ước lượng bối cảnh đó lên mặt giấy bằng cách chấm mấy góc lớn của cảnh đó lên giấy rồi bắt đầu vẽ từng người một, vẽ hết người này sang người khác nối tiếp những dáng người đứng gần nhau kẻ trước người sau cho đến hết mặt giấy, vẽ nhiều hay ít, đặt người mẫu thưa hay là gần là tùy mắt quan sát, tùy nhận thức về bố cục, tùy ý trình bày của người vẽ. Vẽ những người ở tiền cảnh trước rồi đến những người phía sau, không nên quên ghi cả cảnh phụ: nếu là buổi chào cờ thì có cờ, trống … hoặc cảnh cấy lúa thì có những dụng cụ nông nghiệp như: quang, gánh mạ, bó mạ rải rác và bối cảnh chung là đồng ruộng, nếu là góc phố phải có nhà cửa, đường đi, hàng cây trồng … khi vẽ đám đông nên chú ý tỉ lệ, giữa người trước với người sau, giữa người với cảnh.

Có thể hướng dẫn học sinh kí họa điểm màu và ghi vẽ nhanh hoặc vẽ rồi dùng nước màu hay màu bút lông điểm màu để ghi nhớ màu sắc của cảnh vật ghi màu riêng lẻ trên từng hình một hoặc kí họa ghi toàn bộ cảnh sinh hoạt về người và vật, tạo thành một màu sắc nhất định. Có thể dùng bút lông điểm những mảng lớn hoặc màu loãng sao cho bức kí họa thêm sinh động tạo một hòa sắc êm ái thuận mắt mọi người.

Trên đây là những cách tốt nhất để có thể rèn luyện kí họa. Vậy làm sao có thể chuyển tải hết cho các em bởi trong chương trình chỉ có một tiết để kí họa vào tuần 19 đầu HKII. Điều đó thật khó cho cả giáo viên và học sinh. Tôi thiết nghĩ chỉ có phương pháp tốt nhất là cách “mưa dầm thấm lâu”. Ngay từ đầu năm học tôi dành riêng cho các em một tiết ngoài chương trình học để giới thiệu với các em những bước cơ bản của kí họa về người, vật, cây cối và phong cảnh và sự quan trọng của nó trong vẽ tranh đề tài. Đương nhiên để giúp các em dễ hiểu và nắm được phương pháp kí họa tốt hơn tôi phải kèm theo một số tranh đề tài với các bài kí họa để phân tích, sau đó tôi yêu cầu mỗi em phải có một quyển sổ tay để ghi chép kí họa, mỗi ngày phải vẽ ít nhất một dáng (có thể là nhà, cây, người, vật, …) sau một tuần đến tiết học thì các em đem lên để kiểm tra, để động viên khích lệ việc học kí họa này tôi thường xuyên chấm bài của các em, ban đầu tôi chấm theo số lượng, sau là vừa số lượng vừa chất lượng, tuyên dương những em chăm chỉ, chịu khó, kí họa đẹp chuẩn bị cho bài vẽ tranh phong cảnh tôi dành 5 phút cuối để dặn các em kí họa phong cảnh, có thể là cả ba phong cảnh hoặc chỉ cây cối, nhà cửa, con đường, … sau đó các em ráp lại thành bố cục của một bức tranh. Có thể kí họa, điểm màu nếu các em thích, và kết quả của bài vẽ tranh đề tài phong cảnh đạt kết quả khả quan hơn, các em vẽ nhanh hơn, có nhiều em hoàn thành bài tại lớp (những lớp có tiết trước thường các em chỉ vẽ xong phần chì). Có nhiều bài khá đẹp bởi các hình ảnh các em vẽ rất gần gũi với thực tế.

Tiếp đến là các bài vẽ đề tài cuộc sống quanh em và bài vẽ tranh đề tài tự chọn (bài kiểm tra học kì) tôi đề cho các em làm như vậy. Qua đầu học kì II có thêm tiết vẽ kí họa ngoài trời, tôi hướng dẫn kĩ hơn cho các em và cho các em ra thực tế ngoài trời để vẽ.

Phần dặn dò các em chuẩn bị cho bài sau cũng hết sức quan trọng. Nếu quên không dặn dò các em, các em vẫn kí họa nhưng có nhiều hình ảnh thường không sát với nội dung của bài sau. Với các đề tài như trò chơi dân gian các em có thể kí họa vào giờ ra chơi hoặc những lúc đi học sớm thường có rất nhiều học sinh chơi ở sân các em sẽ có điều kiện hơn. Có thể kí họa ở nhà cũng được hoặc nhờ người làm mẫu để vẽ. Tương tự với các đề tài cảnh đẹp đất nước, an toàn giao thông và các hoạt động trong những ngày hè cũng vậy. Bao giờ cũng có sự chuẩn bị kĩ càng thì bài vẽ của các em sẽ tốt hơn, sau mỗi bài vẽ tranh đề tài tôi đều phân tích về bố cục, hình ảnh, màu sắc hoặc xoáy sâu vào hình vẽ và cách kí họa, sắp xếp hình ảnh kí họa thành một bức tranh để các em nắm chắc về cách kí họa cũng như việc quan trọng phải kí họa và bài vẽ tự nghĩ ra của học sinh để các em thấy được sự sinh động gần thực tế của bài vẽ lấy tư liệu từ kí họa.

Tôi đã vận dụng bài kí họa này cho học sinh và có kết quả rất rõ rệt. Thực ra ban đầu các bài vẽ kí học của học sinh chưa được tốt lắm, hình vẽ còn méo mó chưa đúng về hướng, về hình và tỉ lệ. Tuy nhiên, sau mỗi lần chấm bài góp ý cho các em tôi thấy những bài sau các em vẽ khá hơn và đến bây giờ nhiều em đã nhuần nhuyễn việc vẽ kí họa và đương nhiên các bài vẽ tranh đề tài của các em cũng đẹp hơn so với trước. Đa số các em cũng cảm thấy thích vẽ tranh đề tài và có nhiều điểm tốt khi vẽ tranh đề tài. Đó chính là kết quả sau một năm tự rèn luyện và nổ lực của các em. Tôi quyết định vận dụng cho các khối 6, 7, 8, 9. Có lẽ như vậy sẽ tốt cho các em lẫn giáo viên, các em sẽ rèn luyện được mắt quan sát – nhận xét – ước lượng tỉ lệ và biết cách sắp xếp bố cục xây dựng hình tượng trong vẽ tranh đề tài, điều đó sẽ giúp tôi nâng được chất lượng giảng dạy.

IV/ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Năm học: 2011 – 2012 khoảng 90% học sinh thích phân môn vẽ tranh đề tài.

Đây chỉ là một trong nhiều giải pháp của tôi giúp các em học tốt hơn và ham thích môn vẽ hơn. Mỗi người thầy đều có cách truyền thụ riêng, song mục đích cuối cùng chỉ mong các em học tốt. Tôi đưa ra giải pháp này chỉ là của mình tôi nên ít nhiều chắc là còn nhiều hạn chế, vì vậy tôi rất mong được sự góp ý để tôi hoàn thiện hơn và có nhiều biện pháp giúp các em học tốt hơn. Chân thành cảm ơn!

 

   Thị trấn Thới Lai, ngày 15 tháng 03 năm 2012

Đánh giá  của Hội đồng khoa học                                Ngöôøi vieát

Trường THCS TT Thới Lai

 

 

     Nguyễn Hoàng Ân

 

 

Về trước Gởi email cho bạn bè In ấn
Lượt xem (4179)bình luận (0) Đánh giá bài viết (4)
Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Trường Trung Học Cơ Sở Thị Trấn Thới Lai
Điện thoại: 02923.689 369 - 02923. 681 369 - 02923 680 879
E-Mail thcsthitranthoilai@cantho.edu.vn
Website: thcs-ttthoilai-cantho-edu.vn

Thiết kế và phát triển bởi Miền Tây Net